Phòng Ngừa Đột Quỵ ( Stroke ) hay Tai Biến Mạch Máu Não
Đột quỵ là một trong những bệnh gây ra nỗi lo cho nhiều người, không chỉ người cao tuổi mà cả người trẻ do tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.
✓ Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 17 triệu người bị đột quỵ trên toàn cầu, trong đó có 5 triệu người chết và 5 triệu người tàn tật vĩnh viễn.
✓ Ở Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y Tế, nước ta có khoảng 200.000 người đột quỵ hàng năm và đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, có tỷ lệ từ 10-20%, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác. Trong các trường hợp bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế, lệ thuộc cao khi họ phải chung sống với di chứng thần kinh và vận động. Đột quy xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng khoảng một nửa các trường hợp đột quỵ do xơ vữa động mạch.
1. Xơ vữa động mạch là gì?
Xơ vữa động mạch là tình trạng hẹp lòng các động mạch trong cơ thể do quá trình lắng đọng các chất béo, chất thải của tế bào và canxi ở trong thành động mạch. Động mạch là những mạch máu được xem như những ống dẫn mang máu từ tim đến những phần còn lại của cơ thể.
Xơ vữa động mạch là quá trình phức tạp, diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng, có thể bắt đầu vào thời thơ ấu và tiến triển dần theo tuổi. Các yếu tố nguy cơ thường gặp của xơ vữa động mạch là lớn tuổi, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động thể lực, tiền căn gia đình bệnh tim mạch sớm …
2. Tại sao xơ vữa động mạch có thể gây đột quỵ?
Đột quỵ có hai loại chính: nhồi máu não và xuất huyết não. Nếu như xuất huyết não gây ra bởi vỡ các động mạch trong não thì nhồi máu não là tình trạng động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn. Nhồi máu não thường gây ra do cục máu đông hình thành làm tắc nghẽn động mạch não hoặc cục máu đông di chuyển từ tim đến não. Hầu hết đột quỵ (khoảng 82-92 %) là dạng nhồi máu não và đa số gây ra do xơ vữa động mạch.
Lớp áo trong của động mạch có thể bị tổn thương do nồng độ cholesterol cao, huyết áp cao, hút thuốc lá, đường huyết cao… Khi tổn thương lớp áo trong, quá trình xơ vữa động mạch bắt đầu và hình thành mảng xơ vữa. Chất béo, cholesterol, mảnh vụn tế vào và canxi tích tụ ở thành động mạch. Các chất này có thể kích thích các tế bào của thành động mạch sản xuất thêm các chất khác dẫn tới sự hấp dẫn và lắng đọng ngày một nhiều mảng xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm đường kích lòng động mạch ngày càng hẹp dần và giảm dòng máu cung cấp oxy cho các tế bào não ở vùng tương ứng do động mạch đó cấp máu.
Đột quỵ có thể xảy ra khi mảng xơ vữa ở động mạch cảnh và động mạch trong sọ suy yếu và nứt vỡ. Mảng xơ vữa nứt vỡ gây ra hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn lòng động mạch, không cung cấp đủ máu và oxy cho các tế bào não, dẫn đến các tế bào não chết đi và biểu hiện triệu chứng đột quỵ ở người bệnh. Nếu vùng nhồi máu não có diện tích rộng có thể chuyển dạng sang xuất huyết não.
3. Phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân xơ vữa động mạch như thế nào?
Các chuyên gia nói rằng khoảng 80% đột quỵ có thể phòng ngừa được. Giảm các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Thay đổi lối sống, duy trì cân nặng lý tưởng, kiểm soát huyết áp, mỡ máu và đường huyết và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ có thể bảo vệ não của bạn giảm nguy cơ đột quỵ do xơ vữa động mạch.
✓ Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Hít khói thuốc lá từ những người hút thải ra cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngưng hút thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa tiến trình xơ vữa động mạch. Bạn cần quyết tâm bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá nếu không phải là người hút thuốc. Đối với người nghiện thuốc lá, bác sĩ có thể kê đơn các sản phẩm thay thế nicotin và dùng thuốc hỗ trợ cai nghiện thành công.
✓ Tiết chế bia rượu
Uống nhiều bia rượu có thể làm tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Mỗi người không nên uống quá 2 đơn vị rượu mỗi ngày đối với nam và 1 đơn vị rượu đối với nữ. Điều đó có nghĩa một ngày nam giới không nên uống quá 2 lon bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu mạnh; còn nữ giới thì không uống quá một nửa số lượng đó.
✓ Tập thể dục
Hoạt động thể lực thường xuyên giúp cải thiện cân nặng, huyết áp, mỡ máu và đường huyết, từ đó giảm xơ vữa động mạch. Các hiệp hội chuyên ngành khuyến cáo mỗi người cần vận động cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần (30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần). Bạn có thể chọn lựa chế độ luyện tập phù hợp với khả năng gắng sức của mình, bắt đầu từ các hoạt động cơ bắp như đi bộ nhanh. Ngoài lợi ích về thể chất, tập thể dục đều đặn thường xuyên sẽ giúp bạn tự tin hơn và có trạng thái tinh thần tốt hơn.
✓ Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Chế độ ăn lành mạnh có thể giảm nguy cơ đột quỵ, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu và cân nặng. Bạn hãy ăn nhiều rau quả (200 gram/ngày), trái cây tươi (200 gram/ngày) và ngũ cốc mỗi ngày, chọn thức ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều cá (ít nhất 1-2 lần/tuần). Chế độ ăn nhiều chất béo cần được giảm bằng cách giảm sử dụng mỡ động vật, bơ thực vật, sữa béo nguyên kem, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật (gan, thận, óc, lá lách …), thức ăn chiên rán sẵn, thức ăn nhanh …
Bệnh nhân đái tháo đường cần hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, các chất đường ngọt như đường mía, mật, mứt, kem, sôcôla, bánh ngọt, kẹo, trái cây khô, trái cây ngọt (nho, xoài, nhãn, sầu riêng …), nước ngọt …
Lượng muối ăn vào được khuyến cáo dưới 6 gram/ngày (tương đương một muỗng nhỏ). Bạn có thể thực hiện chế độ giảm ăn mặn bằng cách giảm sử dụng thức ăn chế biến sẵn, chọn lựa thực phẩm tươi, không nêm mặn khi nấu ăn, hạn chế chấm thêm muối, nước chấm như nước mắm, nước tương khi ăn. Bạn cần biết cách đọc lượng muối natri (sodium) ghi trên nhãn các sản phẩm: nên chọn các thực phẩm có hàm lượng muối rất thấp (< 35 mg) hoặc không thêm muối trong quá trình sản xuất (trên nhãn thực phẩm được sản xuất ở nước ngoài có dòng chữ “Unsalted”, “No added salt” hoặc “Without added salt”).
✓ Duy trì cân nặng lý tưởng
Béo phì làm gia tăng tiến trình xơ vữa động mạch và mắc các bệnh như tang huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nếu thừa cân, béo phì, bạn cần giảm cân bằng chế độ ăn thích hợp, hoạt động thể lực và đôi khi cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt chỉ số khối cơ thể ở mức bình thường. Chỉ số khối cơ thể được tính bằng cách lấy cân nặng (kilogram) chia cho bình phương chiều cao (mét). Người Châu Á – Thái Bình Dương có chỉ số khối cơ thể bình thường khi trị số này nằm trong khoảng 18,5 – 22,9.
✓ Kiểm soát huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Nếu không được kiểm soát tốt, tăng huyết áp có thể gia tăng 4-6 lần nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân tăng huyết áp cần được giảm huyết áp xuống dưới trị số 140/90 mmHg bằng cách dùng thuốc hạ áp và điều chỉnh lối sống như giảm ăn mặn, tập thể dục, không hút thuốc lá, tiết chế rượu bia, hạn chế căng thẳng, lo âu …
✓ Kiểm soát đường huyết
Đái tháo đường có thể gia tăng 2-4 lần nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân đái tháo đường cần được kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu bằng thuốc, chế độ ăn và vận động thể lực. Nếu chưa mắc đái tháo đường, bạn cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát đái tháo đường.
✓ Kiểm soát mỡ máu
Quá nhiều mỡ xấu có thể làm tiến triển xơ vữa động mạch, dẫn đến đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Giữ các trị số mỡ máu của bạn trong giới hạn bình thường bằng chế độ ăn, tập thể dục và thuốc hạ mỡ máu.
✓ Sử dụng thuốc
Để phòng ngừa tiên phát đột quỵ, bác sĩ có thể xem xét kê đơn aspirin cho một số người lớn 40 – 70 tuổi có nguy cơ tim mạch cao nhưng nguy cơ xuất huyết thấp khi dùng thuốc này. Nếu bạn đã bị đột quỵ, hãy nhớ sử dụng đều đặn thuốc để phòng ngừa thứ phát. Các nghiên cứu ghi nhận ít nhất 25% bệnh nhân đột quỵ ngưng sử dụng một hoặc nhiều thuốc trong vòng 3 tháng. Điều này thực sự nguy hiểm vì bạn có thể tái phát đột quỵ.
Những sai lầm khi cứu người đột quỵ
1 - Không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, cắt lễ... Vì những động tác này có thể làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
2 - Không được cho bệnh nhân ăn uống để đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
3 - Không tự ý dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Bởi vì đột quỵ có hai dạng đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não, nếu bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu thì khi ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tuột huyết áp, các tĩnh mạch càng thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong hơn.
Ở thời điểm đột quỵ do tắc mạch máu thì cơ thể sẽ có cơ chế tự động tăng huyết áp để bằng mọi cách "khơi thông" dòng máu. Nếu uống thuốc hạ huyết áp vào thời điểm này sẽ đi ngược cơ chế tự nhiên của cơ thể và làm mất thêm thời gian.
Tóm lại, đột quỵ là bệnh lý gây ra tử vong hàng đầu ở nước ta cũng như để lại nhiều di chứng tàn tật cho người bệnh. Đa số đột quỵ xảy ra ở bệnh nhân có xơ vữa động mạch.